Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, lụt bão gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Quan Hóa triển khai đồng loạt các biện pháp phòng chống, ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra trong mùa mưa lũ.

Phú Thanh là xã vùng cao của huyện Quan Hóa, có diện tích rộng, địa hình phức tạp, nhiều núi cao, khe suối nên tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Vào mùa mưa lũ, trên địa bàn xã thường xuyên xảy ra sạt lở đất đá. Tại địa bàn bản en xã Phú Thanh có tảng đá trên 6m khối nuổi trên mặt đất, độ dốc trên 40 độ có nguy cơ sạt lở gây ảnh hưởng đến đời sống của 24 hộ dân, để đảm bảo an toàn cho người dân trong bản trong những ngày qua BCH PCTT&TKCN đã phối hợp với BCH Quân sự huyện và huy động lực lượng dân quân tự vệ tổ tức phá dỡ tảng đá; Cùng với đó, xã cũng rà soát, cắm biển tại 2 điểm có nguy cơ sạt lở cao và cảnh báo các điểm người dân không nên đi qua suối để làm nương vào mùa mưa lũ. Tuyên truyền, vận động Nhân dân gia cố, sửa chữa lại mái nhà để phòng, tránh gió lốc thông qua các cuộc họp bản và trên hệ thống loa truyền thanh. Qua đó, nâng cao nhận thức người dân trên địa bàn trong PCTT.

Trước mùa mưa bão năm nay, công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai được xã Nam Xuân thực hiện theo phương châm “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, góp phần giảm thiểu thiệt hại, ổn định đời sống cho người dân. Ngay sau khi có có vụ lở đá vào ngày 4-8-2019, tạị đội 4, Bản Bút, xã Nam Xuân gây nguy hiểm cho 8 hộ dân, lãnh đạo huyện Quan Hóa đã đến kiểm tra tình hình và chỉ đạo xã Nam Xuân khẩn trương di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo tính mạng và tài sản người dân. Đến nay các hộ dân trong diện di dời đã đến nơi ở mới và yên tâm sản xuất ổn định cuộc sống.

Là một huyện miền núi ở phía tây của tỉnh, địa hình chia cắt bởi khe suối nên huyện Quan Hoá có nguy cơ xảy ra lũ lụt, lũ quét, lốc xoáy và hiện tượng sạt lở ở hai bờ sông suối, các triền đồi núi gây tổn thất về tài sản và tính mạng của người dân. Trong năm nay, các phương án phòng chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”, đã được Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB và TKCN) huyện quán triệt cụ thể đến các xã, thị trấn nhằm giảm thiệt hại về người, tài sản và các công trình công cộng trên địa bàn.


Năm nay, việc phòng tránh để giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản, sửa chữa gia cố các công trình trước mùa mưa, khắc phục kịp thời các sự cố do bão lụt gây ra được huyện Quan Hoá xem là biện pháp hữu hiệu nhất. Do vậy, ngay từ đầu năm, các xã, thị trấn đã thực hiện kiểm tra, đánh giá cụ thể khả năng ảnh hưởng do bão lụt đến từng hộ gia đình, qua đó xây dựng phương án để bảo vệ, ứng cứu kịp thời và di chuyển dân, gia súc ra khỏi những vùng có nguy cơ cao. Cùng với đó Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, điều hành trong PCTT&TKCN năm 2019, rà soát và kiện toàn tổ chức, bộ máy; xây dựng kế hoạch và phương án PCTT&TKCN. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để theo dõi, thông báo, cảnh báo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Huyện xác định mục tiêu: phòng chống là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh chóng, hiệu quả với phương châm “4 tại chỗ”. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, chỉ đạo kịp thời, đồng bộ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp. Ngoài ra, huyện còn tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập kỹ năng PCTT; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ người, tài sản, kịp thời khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra”.

Xác định PCTT là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm chế độ trực Ban Chỉ huy và chế độ thông tin, báo cáo theo quy định; tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân chủ động trong mọi tình huống. Đồng thời, UBND xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, rà soát, xác định các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trên địa bàn để bố trí quỹ đất, xây dựng kế hoạch di dời đến định cư nơi an toàn, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi thiên tai xảy ra. Vận động Nhân dân phát quang bụi rậm, nạo vét thông thoáng dòng chảy; kiểm tra và có kế hoạch chặt tỉa, đốn hạ cây xanh không an toàn; cắm biển cảnh báo tại những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao để cảnh báo.

Đặc biệt, trong thời điểm mùa mưa lũ, huyện phối hợp với các chủ đầu tư rà soát các công trình đang triển khai thi công trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn, tuyệt đối không thi công, sửa chữa công trình không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Hướng dẫn, tuyên truyền ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Cùng với đó, huyện củng cố mạng lưới thông tin liên lạc từ huyện đến cơ sở, đảm bảo thông tin hai chiều thông suốt trong mọi tình huống và báo cáo kịp thời để xử lý hiệu quả khi có thiên tai. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn chủ động phòng chống, ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết. Triển khai công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình; tổ chức nạo vét, phát dọn, khơi thông dòng chảy, đảm bảo khả năng thoát nước. Xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, suối; xây dựng, san lấp mặt bằng trái phép gây cản trở dòng chảy kênh mương.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở, ý thức cảnh giác, chủ động của Nhân dân, tin rằng sẽ góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, lụt bão gây ra.
Hoàng Hải - Thạch Linh