Sáng ngày 24/8/2023, đồng chí Mai Xuân Liêm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị “Ứng dụng nền tảng số giúp doanh nghiệp vay vốn, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh”.

Các đại biểu dự Hội nghị
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa; hơn 150 đại biểu đại diện các Ngân hàng thương mại và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, đồng chí Mai Xuân Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Thanh Hóa luôn đánh giá cao vai trò của các doanh nhân, doanh nghiệp nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng, đây chính là nền tảng bền vững cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Việc hỗ trợ các DNNVV thực hiện chuyển đổi số (CĐS) luôn được tỉnh quan tâm thực hiện nhằm tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động. Tỉnh Thanh Hóa luôn tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh CĐS nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy giá trị đổi mới sáng tạo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Đồng chí Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh
Đồng chí Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh cho biết, Ngày 10/11/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về CĐS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số. Với quyết tâm, phấn đấu đến năm 2025 Thanh Hóa sẽ trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS; Kinh tế số chiếm 20% trở lên trong GRDP của tỉnh; doanh nghiệp CĐS chiếm 50% trở lên trên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế; 06 huyện, thị xã, thành phố trở lên và 300 xã, phường, thị trấn trở lên hoàn thành CĐS.
Kế hoạch năm 2023 đặt ra các chỉ tiêu cụ thể về Kinh tế số như: Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 50%; Tỷ lệ DNNVV sử dụng nền tảng số đạt trên 30%; Mỗi hộ kinh doanh cá thể, DNNVV đều được trải nghiệm sử dụng các nền tảng công nghệ số phục vụ sản xuất, kinh doanh; Duy trì tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác Chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; hiệu quả đạt được còn thấp, nhiều doanh nghiệp, chủ yếu là DNNVV chưa thấy rõ được nhu cầu, sự cần thiết phải CĐS; việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh còn ít; một số doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về vai trò của CĐS, chưa xác định được vấn đề, lộ trình để chuyển đổi số cho doanh nghiệp; đặc biệt còn có tâm lý lo ngại về tính an toàn, bảo mật thông tin…

Quang cảnh Hội nghị
Để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, ngày 13/4/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND, trong đó có 3 chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp CĐS: Hỗ trợ kinh phí sử dụng chữ ký số; Hỗ trợ kết nối, chia sẻ thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp trên nền tảng số của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thanh Hóa; hỗ trợ kinh phí tư vấn chuyển đổi số và áp dụng công nghệ số, nhằm đẩy thúc đẩy CĐS cho các doanh nghiệp, phục vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để thúc đẩy các hoạt động CĐS trong doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế số của địa phương, đặc biệt nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng nền tảng số để tiếp cận nguồn vốn vay, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; Hội nghị lần này nhằm thông tin đến doanh nghiệp các định hướng, chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh về CĐS trong doanh nghiệp; hướng đến một cái nhìn toàn diện, rõ nét hơn về CĐS, giúp DNNVV nắm bắt được những công nghệ mới, rút ra được những kinh nghiệm từ những bài học thực tế của các doanh nghiệp đã CĐS thành công; Hội nghị còn là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận hỗ trợ các nguồn vốn, giảm lãi suất vay để phục hồi sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Quang cảnh Hội nghị
Ngoài ra, đây còn là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe và có cái nhìn tổng quan nhằm đánh giá đúng về nhu cầu, thực trạng CĐS, nhu cầu tiếp cận các nguồn vốn trên nền tảng công nghệ của các DNNVV trên địa bàn tỉnh, để tham mưu UBND tỉnh những giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ DNNVV khắc phục khó khăn để từng bước CĐS thành công, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong rằng sau Hội nghị này công tác CĐS trong DNNVV trên địa bàn tỉnh sẽ thay đổi nhận thức, thay đổi cách làm, quyết tâm cao và đạt được kết quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung về nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết số 06-NQ/TU Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS đã đề ra.